Ai có thể giúp bạn trong trường hợp khẩn cấp tại Đức

Trước khi đến một nơi nào đó để học, tìm kiếm việc làm hay đi du lịch, ai cũng cần phải sắm cho bản thân một lượng thông tin nhất định để biết  cách xử lý trước những tình huống bất ngờ. Hy vọng bài viết dưới dây của DFV sẽ giúp ích cho những ai đang sinh sống và học tập tại Đức.

1. Làm gì khi bị ốm?

Bạn cần đến bác sỹ tại một phòng khám gần nhà. Bạn có thể tùy ý lựa chọn bác sỹ cho mình.

Hầu hết mọi người luôn đến khám bác sỹ mà họ đã quen biết gần nơi ở của họ, chúng tôi gọi là “Bác sỹ gia đình”.

Tốt nhất bạn nên gọi điện cho phòng khám để đặt lịch hẹn. Bạn cũng có thể đến mà không đặt lịch, nhưng nếu vậy bạn thường phải đợi rất lâu.

Bảo hiểm y tế của bạn (quỹ bảo hiểm y tế) sẽ chịu chi phí điều trị và hầu hết các loại thuốc, do đó bạn không cần hoặc phải trả rất ít khi đi khám bác sỹ.

Không được quên: Bạn bắt buộc phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế (Thẻ y tế) khi đi khám bệnh

2. Làm thế nào để tìm bác sỹ?

Bạn có thể hỏi bạn bè quanh nhà xem họ đi khám bác sỹ nào.

Trong thành phố có nhiều phòng khám ở các quận, tốt nhất nên tìm bác sỹ gần nơi bạn ở.

Bạn cũng có thể tìm bác sỹ trong danh bạ điện thoại và trên trang web của Hiệp hội bác sỹ của hệ thống bảo hiểm y tế (KV) của bang nơi bạn ở.

Ví dụ ở bang Hesse: www.kvhessen.de → Arztsuche

Ví dụ ở Berlin: www.kvberlin.de → Arztsuche

3. Khi tôi bị ốm vào ban đêm hoặc cuối tuần?

Nếu phòng khám đóng cửa, bạn có thể quay các số 116 hoặc 117 (miễn phí) gọi đến nơi trực y tế.

Bộ phận trực sẽ cho bạn biết phải tìm bác sỹ ở đâu.

Hoặc bạn có thể đến thẳng bệnh viện, ở đó phòng cấp cứu luôn mở cửa cả ngày lẫn đêm.

Bạn hãy mang theo thẻ bảo hiểm. Bảo hiểm y tế sẽ chịu chi phí điều trị.

Tìm bệnh viện trên trang web www. deutsches-krankenhaus-verzeichnis.de, bằng ứng dụng “Deutsches Krankenhaus Verzeichnis” – danh sách bệnh viện tại Đức.

4. Phải làm gì khi gặp tai nạn nghiêm trọng hoặc khi bị ốm nặng không thể tự đi lại được?

Bạn hãy gọi xe cấp cứu, xe sẽ nhanh chóng đến và đưa bạn đến bệnh viện.

Số điện thoại khẩn cấp: 112 Cuộc gọi này miễn phí.

Bạn có thể gọi bằng điện thoại di động hoặc máy bàn cả ngày lẫn đêm.

Hãy nói thật rõ ràng trên điện thoại:

  • Ai gọi – Tên của bạn.
  • Chuyện gì xảy ra – ví dụ như hai ô tô đâm nhau, ba người bị thương, một người bất tỉnh, hai người chảy nhiều máu.
  • Ở đâu – Địa điểm, phố và số nhà (gần nhất) Bạn phải chờ nghe hướng dẫn qua điện thoại của bộ phận cứu hộ, không được dập máy.

Trong xe cấp cứu có một bác sỹ sẽ giúp bạn ngay lập tức. Hãy gọi xe cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp, khi bạn không thể tự đến bác sỹ hoặc đến bệnh viện – ví dụ như khi gặp nguy hiểm đến tính mạng, bị thương rất nặng, khi bạn mất nhiều máu hoặc khi ngạt thở.

Trong những trường hợp khẩn cấp, bảo hiểm y tế sẽ chịu chi phí vận chuyển cấp cứu đến bệnh viện (đôi khi bệnh nhân phải trả 10 Euro). Bác sỹ phải xác nhận bằng văn bản sự cần thiết của việc phải sử dụng xe cấp cứu.

5. Tôi có cần bảo hiểm y tế không?

Tại Đức, bảo hiểm y tế được luật pháp quy định.

Có bảo hiểm y tế theo luật định và bảo hiểm tư nhân.

Là người lao động, theo luật, bạn bắt buộc phải có bảo hiểm theo luật định (nếu bạn có thu nhập hàng năm trước thuế dưới 57.600 Euro).

Hàng tháng bạn phải đóng tiền bảo hiểm y tế. Số tiền đóng phụ thuộc vào thu nhập của bạn.

Vợ hoặc chồng và trẻ em dưới 25 tuổi không có thu nhập hoặc thu nhập thấp (tới tối đa 450 Euro) được bảo hiểm miễn phí.

Bạn nhận được thẻ bảo hiểm từ hãng bảo hiểm của mình, bạn phải mang theo thẻ này khi đi khám bệnh.

Bác sỹ sẽ tính phí trực tiếp với bảo hiểm y tế, bạn chỉ phải trả một khoản nhỏ cho chi phí điều trị tại bác sỹ.

Bảo hiểm y tế theo luật chịu các chi phí như phí điều trị, tiền thuốc, phí nằm viện (bao gồm tiền ăn), phí dịch vụ khi mang thai và khi sinh nở.

Tuy nhiên thông thường bạn phải tự trả một phần chi phí dịch vụ – ví dụ như 10 Euro cho một ngày nằm viện, 10 Euro cho tiền thuốc, và trả phần lớn chi phí mua kính mắt và điều trị nha khoa.

Nếu thu nhập của bạn cao hơn 57.600 Euro một năm hoặc nếu bạn lao động tự do, bạn có thể mua bảo hiểm y tế tư nhân. Bằng cách này bạn có thể tự xác định dịch vụ và chi phí.

Thêm thông tin: www.krankenkassen.de

6. Tôi mua thuốc ở đâu?

Bạn có thể mua thuốc ở hiệu thuốc.

Chú ý! Nhiều loại thuốc ở Đức buộc phải mua theo đơn. Điều đó có nghĩa là bác sỹ phải kê cho bạn một tờ giấy gọi là “đơn thuốc”. Bạn phải trình đơn thuốc tại hiệu thuốc để mua được thuốc. Thuốc phải mua theo đơn là các loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau mạnh, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai.

Bạn có thể mua các loại thuốc, vật dụng y tế sau tại hiệu thuốc không cần đơn: thuốc giảm đau nhẹ (Paracetamol, Aspirin), thuốc cảm lạnh, băng vết thương, bao cao su và thuốc khử trùng. Hầu như bạn đều phải tự trả tiền, vì bảo hiểm y tế thông thường không chịu chi phí này.

7. Tôi tìm hiệu thuốc như thế nào?

Bạn có thể tìm hiệu thuốc gần nhà trên trang web www.aponet.de (vào mục “Service”; tại đó bạn cũng có thể tìm thấy hiệu thuốc cấp cứu mở ban đêm và cuối tuần) hoặc www.22833.mobi.

Bạn cũng có thể gọi số 0800 00 22 8 33 (miễn phí khi gọi từ máy bàn) để tìm hiệu thuốc gần nhất.

Nếu dùng di động: gọi số 22 8 33 hoặc gửi tin nhắn SMS với chữ “apo” (hết 69 Cent một phút hoặc một tin nhắn).

8. Cháy! Làm gì khi hỏa hoạn?

Nếu bạn không thể tự dập lửa (trong mỗi tòa nhà đều có bình chữa cháy màu đỏ, đó là quy định), hãy gọi cứu hỏa khi nguy cấp.

Cứu hỏa Tel. 112 (Giống số điện thoại gọi cứu thương, có thế gọi bằng di động hoặc máy bàn cả ngày lẫn đêm. Cuộc gọi này miễn phí)

Đợi đến khi có người trả lời, không được dập máy.

Khi có người nhấc máy, bạn hãy nói thật rõ ràng:

  • Ai gọi – tên của bạn
  • Chuyện gì xảy ra – ví dụ như cháy trong bếp
  • Ở đâu – Địa điểm, phố và số nhà Có người bị thương không?

Bạn phải chờ nghe hướng dẫn qua điện thoại của bộ phận cứu hộ, không được dập máy.

9. Khi nào tôi phải gọi cảnh sát?

Bạn cần gọi cảnh sát đến giúp nếu bị trộm đột nhập, bị cướp, nếu ai đó sử dụng bạo lực chống lại bạn hoặc người khác, nếu bạn bị quấy rối tình dục, nếu xảy ra tai nạn giao thông và có người bị thương hoặc tranh cãi, và nếu bạn chứng kiến một hành vi phạm tội.

Bạn cũng có thể gọi khi bạn hoặc người khác gặp nguy hiểm trước khi có chuyện xảy ra, ví dụ như khi bạn nhìn thấy tên trộm đột nhập, hoặc nếu ai đó đe dọa bạn bằng bạo lực.

Cảnh sát Tel. 110 Cuộc gọi miễn phí.

Bạn có thể gọi bằng di động hoặc máy bàn cả ngày lẫn đêm.

Mọi người dân cư trú ở Đức đều có quyền gọi cảnh sát để được giúp đỡ.

Bạn hãy nói thật rõ ràng:

  • Ai gọi – Tên của bạn
  • Chuyện gì xảy ra – Ví dụ như tôi bị trộm đột nhập, cửa sổ bị đập vỡ, Laptop và tiền mặt bị lấy mất.
  • Ở đâu – Địa điểm, phố và số nhà Có người bị thương không? Bạn phải chờ nghe cảnh sát hướng dẫn qua điện thoại, không được dập máy.

10. Và nếu tôi cảm thấy không an toàn?

Về nguyên tắc, bạn có thể gọi cảnh sát khi cảm thấy không an toàn. Bạn không cần phải sợ. Cảnh sát coi trọng mọi cuộc gọi, phản ứng thân thiện và muốn giúp bạn. Cảnh sát là để làm việc đó mà.

Cũng không sao, nếu bạn nhầm lẫn.

Điều bạn không được phép làm là: gọi để đùa cho vui hoặc gọi thử xem số điện thoại đó có hoạt động không.

Ở Đức, mọi hình thức bạo lực đều bị cấm. Bất cứ ai dùng bạo lực, kể cả đánh con, vợ hoặc chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình hoặc đe dọa dùng bạo lực thể xác, tình dục hoặc tâm lý đều phạm pháp.

Nếu bạn gặp, nhìn thấy hoặc bị đe dọa bằng bạo lực thì bạn luôn nên gọi cảnh sát. Cảnh sát Đức có những người được huấn luyện đặc biệt để giải quyết xung đột trong gia đình.

Thêm thông tin: www.polizei-dein-partner.de

11. Làm gì khi tôi vô tình gây ra thiệt hại cho người khác?

Chúng tôi khuyến cáo nên mua bảo hiểm trách nhiệm cá nhân. Bằng cách đó, bạn sẽ được bảo hiểm nếu phải trả một khoản tiền lớn để bồi thường thiệt hại về người và tài sản.

Ví dụ như khi bạn làm hỏng hệ thống nước hoặc gây hỏa hoạn trong nhà bạn và vì thế làm hỏng đồ đạc của những người thuê nhà khác, hoặc khi bạn dùng Laptop của một người bạn và nó bị rơi từ trên bàn xuống rồi hỏng. Hoặc khi bạn đi bộ qua đường gây va chạm với một người đi xe đạp và người đó phải nhập viện. Những điều đó có thể dễ dàng xảy ra và gây thiệt hại đến tiền triệu. Bảo hiểm trách nhiệm cá nhân chịu những chi phí đó cho bạn. Phí bảo hiểm vào khoảng 60 đến 140 Euro một năm.

Bạn cần lưu ý rằng một số thiệt hại chỉ được hãng bảo hiểm bồi thường, khi bạn đã đóng bảo hiểm bổ sung là khoản bảo hiểm bạn lựa chọn đóng thêm khi ký hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm cá nhân, ví dụ như thiệt hại trong nhà thuê (ví dụ vỡ kính cửa sổ) hoặc khi các món đồ đi mượn bị mất cắp.

Khái quát về các hãng bảo hiểm trách nhiệm cá nhân có thể tìm thấy tại đây: www.check24.de/privathaftpflicht.

 

    Để đăng ký, mời các bạn điền thông tin theo form sau:





    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *