Với các bạn du học sinh ở Đức đa phần thời hạn visa được cấp lần 1 có thời hạn 3 tháng hoặc 6 tháng. Vì thế ngay sau khi ổn định chỗ ở tại Đức, bạn cần đến khai báo cư trú tại cơ quan đăng ký cư trú. Tại đây bạn sẽ nhận được một bản đăng ký và bạn hoàn thành các thủ tục cần thiết để được nhận giấy phép cư trú.
Mỗi sinh viên quốc tế khi đến Đức và đã tìm thấy cho mình một chỗ ở ổn định đều phải trình báo với Văn phòng đăng ký cư trú – thông thường trong vòng một tuần. Bạn phải điền vào mẫu đăng ký tại văn phòng đăng ký. Sau đó bạn sẽ nhận được một bản xác nhận đã đăng ký. Bạn phải giữ bản xác nhận này một cách cẩn thận và sau này dùng nó để lấy giấy phép cư trú tại sở ngoại kiều.
BƯỚC 1: KHAI BÁO TẠI VĂN PHÒNG ĐĂNG KÝ CƯ TRÚ
Ngay sau khi đã tìm được chỗ ở tại Đức, bạn cần tới cơ quan đăng ký cư trú để khai báo về chỗ ở của mình. Ở một số thành phố, văn phòng đăng ký cư trú cũng được gọi là Văn phòng tư vấn công dân hoặc văn phòng quận. Bạn nên đi khai báo trong vòng một đến hai tuần (tùy thuộc vào yêu cầu của văn phòng đăng ký tại địa phương), nếu không bạn có thể phải nộp tiền phạt. Đôi khi bạn sẽ không nhận được lịch hẹn trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn đã đặt hẹn trong thời gian một hoặc hai tuần như đã quy định. Bạn thường có thể đặt lịch hẹn online tại văn phòng đăng ký của bạn.
Những giấy tờ cần thiết khi đi đăng ký tại văn phòng đăng ký cư trú
Để đăng ký cư trú tại văn phòng đăng ký, bạn cần những giấy tờ sau:
- Hộ chiếu (có thể là Visa) hoặc Giấy chứng minh nhân dân và
- Một bản xác nhận cho thuê căn hộ đã được điền đầy đủ thông tin và được ký nhận bởi chủ nhà của bạn.
- Mẫu đăng ký đã có sẵn từ văn phòng đăng ký nếu có.
Tại văn phòng đăng ký, bạn sẽ nhận được một xác nhận đăng ký. Bạn cần giữ giấy xác nhận này cẩn thận! Bạn sẽ cần đến nó khi xin giấy phép cư trú tại Sở ngoại kiều.
Xác nhận cho thuê nhà: Bạn có thể tìm mẫu đơn xác nhận trên trang web của văn phòng đăng ký cư trú địa phương của bạn. Hãy gửi mẫu đơn này cho chủ nhà của bạn để điền đầy đủ các thông tin cần thiết. Nếu bạn sống trong ký túc xá sinh viên, ban quản lý ký túc sẽ điền vào giấy chứng nhận này cho bạn.
Phí đăng ký cư trú: Thông thường, việc đăng ký tại Văn phòng đăng ký cư trú là hoàn toàn không mất phí.
Lưu ý: Đừng quên rằng: Nếu bạn chuyển nhà một lần nữa trong thời gian ở Đức, bạn phải khai báo lại tại Văn phòng Đăng ký Cư trú trong vòng một đến hai tuần! Bạn sẽ khai báo điều này tại cùng văn phòng đăng ký cư trú trước kia nếu bạn chuyển nhà trong cùng một thành phố. Nếu bạn chuyển đến một thành phố mới, văn phòng đăng ký cư trú tại địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm đăng ký cho bạn.
BƯỚC 2: GIẤY PHÉP CƯ TRÚ TẠI SỞ NGOẠI KIỀU
Trường hợp Bạn đến từ Liên minh Châu Âu, Khu vực Kinh tế Châu Âu hay Thụy Sĩ?
Bạn không cần giấy phép cư trú, nhưng bạn phải chứng minh tại văn phòng đăng ký cư trú rằng bạn có bảo hiểm y tế và chứng minh tài chính. Sau đó, bạn sẽ nhận được một giấy chứng nhận quyền cư trú khi bạn khia báo cư trú tại văn phòng đăng ký.
Trường hợp Bạn KHÔNG đến từ Liên minh Châu Âu, Khu vực Kinh tế Châu Âu hay Thụy Sĩ?
Nếu bạn không phải là công dân của một trong những quốc gia trên và muốn ở lại Đức hơn 90 ngày, bạn cần đến Sở ngoại kiều của thành phố nơi bạn học. Bạn có thể tìm thấy địa chỉ của sở ngoại kiều tại Văn phòng quốc tế hoặc bạn có thể tìm kiếm trong ngân hàng dữ liệu của BAMF. Bạn phải nộp đơn xin giấy phép cư trú tại Sở ngoại kiều nơi bạn học trong vòng ba tháng đầu tiên.
Những giấy tờ cần thiết để xin giấy phép cư trú
Bạn cần xin giấy phép cư trú tại Sở ngoại kiều nơi bạn đang sống. Bạn cần đích thân tới Sở ngoại kiều để hoàn thiện các thủ tục đăng ký xin giấy phép. Bạn cần chuẩn bị những tài liệu sau:
- Hộ chiếu hợp lệ của bạn, có thể kèm theo thị thực,
- Xác nhận đăng ký từ văn phòng đăng ký cư trú,
- Chứng nhận về bảo hiểm y tế,
- Giấy chứng nhận nhập học từ trường đại học của bạn,
- Tiền lệ phí (€ 110), có thể kèm theo chứng minh tài chính,
- Giấy chứng nhận sức khỏe nếu cần,
- Hợp đồng thuê nhà nếu cần,
- Ảnh (sinh trắc học) ảnh hộ chiếu nếu cần.
Tipp: Tốt nhất bạn nên mang theo tất cả các tài liệu bạn có, ngay cả khi không được yêu cầu. Nếu tài liệu mang theo bị thiếu, bạn thường phải đặt một lịch hẹn mới và sẽ phải chờ đợi một thời gian dài không cần thiết!
Giấy phép cư trú được cấp dưới dạng “giấy phép cư trú điện tử”. Đây là thẻ có chip tích hợp để lưu trữ dữ liệu nhất định, bao gồm ảnh hộ chiếu và dấu vân tay của bạn. Sau bốn đến sáu tuần, bạn có thể nhận được giấy phép cư trú cá nhân từ sở ngoại kiều. Ban đầu giấy phép được cấp với hạn định tối thiểu là một năm và tối đa là hai năm, nhưng có thể được gia hạn thêm. Việc gia hạn sẽ phụ thuộc vào việc tham gia học của bạn (nghĩa là bạn nên tuân thủ các quy định về thời gian học nếu có thể). Về điều này, bạn cần chứng minh bằng xác nhận của của trường đại học mà bạn đang theo học. Bạn phải nộp đơn xin gia hạn trước khi giấy phép cư trú của bạn hết hiệu lực!
Lệ phí đăng ký giấy phép cư trú
Khi bạn nộp đơn lần đầu tiên, bạn phải nộp một khoản phí có thể là 110 €. Lệ phí cho việc gia hạn là € 100.
Tipp: Nếu muốn ở lại Đức lâu hơn so với thời hạn quy định trong giấy phép cư trú, bạn phải gia hạn giấy phép cư trú trước khi giấy phép của bạn hết hạn!
DFV Educations