NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ GIAO TIẾP Ở ĐỨC

Giao tiếp Ở Đức, khi chào hỏi người ta đưa tay phải bắt tay và đồng thời luôn nhìn vào mắt nhau. Điều này được áp dụng cả cho những cuộc gặp gỡ mang tính công việc và cá nhân. Cũng nên nhìn vào mắt người đối diện trong các cuộc đối thoại, nếu không sẽ bị cho là bất lịch sự. Bạn bè rất thân khi gặp nhau trong thời gian rảnh rỗi thường chào nhau bằng một cái hôn thoảng lên má phải và trái. Tuy nhiên, kiểu chào này không thích hợp trong môi trường làm việc.

Người ta xưng tên trên điện thoại. Điều này áp dụng cho cả người gọi lẫn người được gọi.

Khi gặp gỡ lần đầu, người trưởng thành xưng hô với nhau bằng ngôi “Sie” (lịch sự). Nếu người đối diện muốn xưng hô bằng ngôi “Du” (thân mật), thì người đó sẽ đề nghị với bạn.

Nếu một người trưởng thành xưng hô với bạn bằng ngôi “Du” thì bạn cũng có thể xưng hô “Du” với người đó. Bạn luôn có thể nói chuyện với trẻ con bằng ngôi “Du”.

Trong mọi tình huống, kể cả khi nói với trẻ em, hãy luôn nói “bitte” (làm ơn) khi hỏi điều gì, mua sắm, đặt hàng hoặc muốn có gì, và “danke” (cảm ơn) khi bạn nhận được gì đó.

Người Đức rất thẳng thắn và trung thực. Họ nói những gì họ nghĩ. Và họ nghĩ những gì họ nói. Cả những vấn đề và các bất đồng cũng được giải quyết trực tiếp, và lý tưởng nhất là trao đổi hết một cách thân thiện, điềm đạm và hướng tới giải pháp.

Đặc biệt, người Đức rất khách quan và rõ ràng trong công việc. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phê bình thẳng thắn trong công việc, nhưng không mang tính cá nhân. Họ không muốn xúc phạm bất kỳ ai, mà chỉ đơn giản là muốn làm việc tốt nhất có thể. Tất cả các đồng nghiệp của bạn và cả bạn nữa, thậm chí còn được mong đợi là sẽ đặt ra những câu hỏi mang tính chất phê bình và đưa ra những ý kiến, ý tưởng và đề xuất cải thiện. Hãy hỏi nếu bạn không hiểu hoặc không biết điều gì. Ở Đức, điều này không được coi là điểm yếu mà thể hiện bạn thực sự chú ý để làm tốt một việc gì đó. Đề nghị được giúp đỡ không có gì là sai cả, mà còn luôn được đánh giá tích cực. Nếu bạn nhầm lẫn hoặc mắc lỗi, hãy nói ra. Ở Đức, việc này được coi là một điểm mạnh.

Nhìn chung, người Đức mỉm cười ít hơn người Việt một chút. Vì vậy, người Đức trong lần gặp đầu tiên đôi khi có vẻ như cau có, lạnh lùng, bất lịch sự và khó gần, nhưng thực ra họ hầu như không như vậy. Thông thường, một vẻ mặt nghiêm nghị có nghĩa là họ tôn trọng và coi trọng bạn. Người Đức luôn hiểu mỉm cười là tích cực, thân thiện và vui vẻ. Điều đó không có nghĩa là bạn nên mỉm cười ít thôi! Nhưng để tránh gây hiểu lầm, tốt hơn bạn nên nhận thức được rằng, mỉm cười ở Đức có ý nghĩa hơi khác.

Với óc hài hước người ta có thể hòa nhập tốt ở Đức, người Đức rất thích cười thực sự! Một số câu hỏi về đời tư hoàn toàn bình thường ở VIệt Nam lại không thông dụng ở Đức khi chưa đủ thật thân thiết với nhau. Hỏi về tuổi, thu nhập và hỏi xem người khác đã kết hôn chưa thường bị coi là bất lịch sự. Tuy nhiên, khi trò chuyện không có chủ đề nào thật sự cấm kỵ, người Đức đã quen với việc biểu lộ ý kiến của họ bất cứ lúc nào một cách tự do và không sợ hãi. Chính trị và lịch sử cũng là những chủ đề được phép bàn luận.

Đa số người Đức cởi mở với thế giới, tự vấn bản thân mình và hầu như không thể hiện cảm xúc yêu nước thái quá. Cần tránh những nhận xét mang tính phân biệt chủng tộc, thành kiến giới tính hoặc phân biệt đối xử. Cả những chuyện tiếu lâm hoặc nhận xét mang tính tôn sùng liên quan đến Hitler, sự thảm sát người Do Thái và chủ nghĩa Quốc xã là không phù hợp. Ở Đức đó là những chủ đề nghiêm túc, tuy không bị né tránh và không bị cấm kỵ, nhưng cần phải được đề cập đến một cách đầy trách nhiệm và khách quan.

    Để đăng ký, mời các bạn điền thông tin theo form sau:





    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *